Đông y trị bệnh vần B

BÉO PHÌ (Obesity)

Béo phì là tình trạng tăng trọng lượng cơ thể mạn tính do tăng khối lượng mỡ quá mức và không bình thường, liên quan đến dinh dưỡng và chuyển hóa.Sự phát triển kinh tế – xã hội đã làm thay đổi chế độ dinh dưỡng, cung nhiều hơn cầu, kết hợp phong cách sống tĩnh tại nhiều hơn vận động, dẫn đến tình hình béo phì tǎng lên với tốc độ báo động. Béo phì là nguy cơ của nhiều bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, ung thư…Điều trị béo phì thường kết hợp cả đông y và tây y thay đổi thói quen sinh hoạt ăn uống tăng cường vận động luyện tập thể lực.

Định nghĩa:

Béo phì là tình trạng dư thừa khối mỡ, là một hội chứng đặc trưng bởi sự tăng tuyệt đối của khối mỡ, hay nói cách khác là một sự lạm phát của dự trữ năng lượng, chủ yếu là triglycerid dưới dạng mô mỡ.

Béo phì là một tình trạng bệnh lý đa yếu tố.

Nguyên nhân

– Yếu tố môi trường: là những yếu tố liên quan đến tình trạng cung cấp nhiều calo so với nhu cầu của cơ thể:

+ Ăn nhiều: dẫn đến dư thừa calo, đặc biệt các loại thức ăn nhanh, thức ăn chứa nhiều glucid. Ăn nhiều có thể do thói quen có tính chất gia đình, hoặc ăn nhiều trong bệnh lý tâm thần.

+ Giảm hoạt động thể lực: do nghề nghiệp tĩnh tại hoặc hạn chế vận động do tuổi già. Giảm hoạt động thể lực nên sử dụng năng lượng ít dẫn đến dư thừa và tích lũy.

+ Di truyền: có nhiều bằng chứng kết luận di truyền có đóng vai trò trong bệnh béo phì, như gia đình có bố và mẹ béo phì thì con bị béo phì đến 80%, có bố hoặc mẹ béo phì thì con béo phì thấp hơn 40%, và bố mẹ không béo phì thì chỉ 7% số con bị béo phì.

Nguyên nhân nội tiết:

+ Hội chứng Cushing: phân bố mỡ nhiều ở mặt, cổ, bụng trong khi tứ chi gầy.

+ U tiết insulin: tăng cảm giác ngon miệng và tăng tân sinh mô mỡ từ glucid.

+ Suy giáp: béo phì do chuyển hóa cơ bản giảm.

+ Béo phì-sinh dục: mỡ phân bố nhiều ở thân và gốc chi kèm suy sinh dục.

Theo tuổi

– Béo phì bắt đầu ở tuổi trưởng thành (thể phì đại): số lượng tế bào mỡ không tăng, béo phì do gia tăng sự tích tụ mỡ trong mỗi tế bào. Điều trị bằng giảm glucid thường có kết quả.

– Béo phì thiếu niên (thể tăng sản – phì đại): vừa tăng thể tích, vừa tăng số lượng tế bào mỡ, thể béo phì này khó điều trị hơn.

Theo sự phân bố mỡ

– Béo phì dạng nam (béo phì kiểu bụng, béo phì kiểu trung tâm) (android obesity = male pattern): phân bố mỡ ưu thế ở phần cao trên rốn như: gáy, cổ, mặt, vai, cánh tay, ngực, bụng trên rốn.

– Béo phì dạng nữ (gynoid obesity = female pattern): phân bố mỡ ưu thế phần dưới rốn đùi, mông, cẳng chân.

– Béo phì hỗn hợp: mỡ phân bố khá đồng đều. Các trường hợp quá béo phì thường là béo phì hỗn hợp.

Chẩn đoán chung

− Béo phì được xác định khi BMI > 27.

− Béo phì được xác định khi cân nặng > 20% cân nặng lý tưởng lý thuyết (công thức Lorentz).

− Nhằm nhận diện được sự phát triển ảnh hưởng của béo phì đối với:

+ Cơ, xương, khớp: loãng xương, biến dạng xương khớp, thoái hóa khớp.

+ Tim mạch: tăng HA, viêm tắc động mạch chi dưới.

+ Hô hấp: suy hô hấp, viêm phế quản mạn, hội chứng Pickwick.

− Đánh giá béo phì:

Đánh giá béo phì qua chỉ số BMI như sau:

Độ I 25-30 Thừa cân

Độ II 31-35 Béo phì nhẹ

Độ III 36-40 Béo phì vừa

Độ VI >40 Béo phì nặng

+ Xác định kiểu béo phì:

Kiểu nam: mô mỡ tập trung ở nửa trên cơ thể: cổ, vai, tay, bụng.

Kiểu nữ: mô mỡ tập trung ở phần dưới cơ thể: eo, mông, đùi.

− Dựa vào các dấu hiệu cận lâm sàng nhằm mục đích chẩn đoán các nguy cơ trên bệnh nhân béo phì. Các xét nghiệm thường quy bao gồm:

+ Cholesterol máu (toàn phần, HDL, LDL), triglycerid máu.

+ Chức năng gan.

+ Chức năng thận.

+ Đường huyết, acid uric, phosphokinase.

Nghiệm pháp tăng đường huyết nếu có nghi ngờ

Triệu chứng lâm sàng

Lorentz : Tính trọng lượng lý tưởng (TLLT) chủ yếu dựa vào chiều cao.

TLLT (nam) = chiều cao – 100 -Ġ hoặc TLLT (nữ) = chiều cao – 100 -Ġ

Nếu TLLT tăng >25% là béo phì.

Hoặc IC = (TLHT/TLLT) (100%. (trọng lượng hiện thực/trọng lượng lý tưởng) Nếu IC = >120% – 130%:Tăng cân quá mức . Nếu IC = >130% béo phì.

BMI(Body Masse Index=Chỉ số khối lượng cơ thể): Trọng lượng (kg)/chiều cao (m2).

Theo Tổ chức quốc tế về béo phì (International Obesity Task Force) 1998

Tăng trọng khi BMI = 25 – 29,9; Béo phì khi BMI >30,0

Theo tiêu chuẩn chẩn đoán béo phì áp dụng cho người châu Á: béo phì khi BMI >25

Đo độ dày của nếp da tam đầu

Ở giữa khoảng cách từ cùi tay và vai, trung bình 16,5mm ở nam, 12,5mm ở nữ.

Béo phì có thể không có triệu chứng

Hay có khó thở gắng sức, mệt, khó chịu nóng, rối loạn tiêu hoá, thoái hoá khớp do quá tải cơ thể (khớp háng, đùi, cột sống thắt lưng).

Rối loạn chuyển hoá lipide

Tăng lipoprotein (type VLDL, LDL).

Hậu quả tâm thần kinh béo phì có thể trầm trọng

Lo lắng với tăng HA.

Giảm dung nạp glucose máu

Đái tháo đường tuyp 2 (Hội chứng chuyển hoá).

Béo phì trầm trọng

Giảm thông khí phổi (hội chứng Pickwick), suy tim-phổi.

Xét nghiệm lâm sàng

+Cận lâm sàng: thực hiện nhằm mục đích chẩn đoán các nguy cơ trên bệnh nhân béo phì. Các xét nghiệm thường quy bao gồm:

+ Cholesterol máu (toàn phần, HDL, LDL), triglycerid máu.

+ Chức năng gan.

+ Chức năng thận.

+ Đường huyết, acid uric, phosphokinase.

Nghiệm pháp tăng đường huyết nếu có nghi ngờ

+ Các phương pháp đánh giá

Có nhiều phương pháp đánh giá mô mỡ (béo phì): phương pháp đo nhân trắc (anthropométrique) lâm sàng, phương pháp mới bằng hình ảnh siêu âm, ngay cả cắt lớp có tỉ trọng (tomodensitométrique). Sự chọn lựa giữa các phương pháp khác nhau này tuỳ thuộc vào ngữ cảnh và mục tiêu nghiên cứu hướng đến.

-Phương pháp đo nhân trắc

a.Chỉ số khối lượng cơ thể (BMI): Kết qua như đã nêu ở trên phần triệu chứng.

b.Công thức Lorentz: Để tính trọng lượng lý tưởng (TLLT), công thức này dựa vào trọng lượng bệnh nhân tính bằng kg và chiều cao tính bằng cm như đã nêu ở trên:

c. Độ dày của nếp gấp da: Độ dày của nếp gấp da phản ảnh độ dày của lớp mỡ dưới da, có thể đo được bằng một compas Harpender hoặc Holtane, có tay cầm rộng, có khắc số hằng định.

Cách đo: Tay trái cầm compas, rồi kẹp nếp gấp da thẳng đứng giữa ngón trỏ và ngón cái, thước sẽ cho biết độ dày của nếp da.

Đo độ dày nếp gấp da ở nhiều vị trí khác nhau là cần thiết: các điểm quanh gốc cánh tay và đùi, cơ nhị đầu, tam đầu, trên bả vai, trên xương chậu, thượng vị, trung vị và hạ vị. Ngược lại, ở nữ giới, nếp gấp da vùng đùi và hạ vị là dày hơn nếp gấp da ở phía trên rốn và cánh tay.

d. Chỉ số mỡ-cơ của Jean Vague:

Chỉ số mỡ- cơ cánh tay – đùi (CSMCCTĐ) gồm độ dày nếp gấp da ở quanh gốc cánh tay và đùi, mặc khác chu vi của đùi cũng được đo cùng ngang mức đó. CSMCCTĐ cho phép đánh giá số lượng sự phân bố mỡ và cơ giữa vùng cơ Delta và cơ đùi, nhưng không liên quan trực tiếp đến lớp mỡ ở bụng.

Giá trị bình thường của CSMCCTĐ ở nữ có trọng lượng bình thường, là 0.76 – 0.8, và ở nam giới 1.01 – 1,10. Jean Vague đã có thể định nghĩa nhiều thể khác nhau về sự phân bố hypergynoide, gynoide, mixte, androide, hyperandroide.

Chỉ số giữa độ dày mô mỡ-cơ Delta và cơ mấu chuyển (trochantérien): Chỉ số giữa độ dày mô mỡ vùng Delta và ở phía sau mấu chuyển là ít nhạy cảm với lớp cơ bên dưới. 0,7 ở nam, và 0,3 ở nữ.

– Đo chu vi: Chỉ số phân bố khối mỡ ở phần chu vi.

Chỉ số cánh tay-đùi: Đo chu vi cánh tay và đùi ở phần gốc là dễ dàng thực hiện. Đây là chỉ số đáng tin cậy để đo lường sự phân bố mỡ. Tỉ của chu vi cánh tay với chu vi của đùi ở gốc: 0,58 ở nam và 0,52 ở nữ.

Vòng bụng/vòng mông: Chỉ số giữa chu vi vòng bụng/vòng mông đã được M. Ashwell đưa ra như là một chỉ số đo lường đáng tin cậy về sự phân bố mỡ. Trị số bình thường là 0,92 – 0,95 ở nam; 0,75 – 0,80 ở nữ. Béo phì ở nam khi VB/VM > 0,95 và nữ > 0,80. Hoặc theo ATP III, vòng bụng nam < 102 cm, nữ là > 88 cm

+Siêu âm

Độ dày của mô mỡ nông có thể được đo trực tiếp chính xác bằng cách đặt đầu dò thẳng góc với mặt da, không ép, ở tại điểm muốn xác định. Kỹ thuật có thể phân biệt rõ ràng giới hạn phần mỡ, cơ và xương.

+Chụp cắt lớp tỉ trọng

Phương pháp này mới được áp dụng gần đây để đánh giá sự phân bố mỡ. Nó có thể định lượng mỡ phân bố ở dưới da và quanh tạng. Từ phần cắt ngang của scanner, có thể tính được bề mặt choán chổ của mô mỡ. Lợi điểm của phương pháp này có thể xác định bề mặt mô mỡ sâu quanh tạng. Phần cắt ngang qua L4-L5 sẽ cho phép phân biệt chính xác sự khác nhau về phân bố mỡ giữa 2 giới. Sự đánh giá bằng phương pháp này cho kết quả đáng tin cậy, chính xác, tuy nhiên giá kỹ thuật đắt, dụng cụ nặng nề khó thực hiện ở các tuyến thông thường.

+Impédance métrie: Do phần trăm lượng mỡ của cơ thể hiện có và lượng mỡ lý tưởng dựa vào trọng lượng, chiều cao, giới, từ đó tính ra lượng mỡ quá tải là bao nhiêu phần trăm.

Chẩn đoán phân biệt

− Phù:

+ Do suy tim, do hội chứng thận hư, do xơ gan… căn cứ vào bệnh cảnh lâm sàng.

+ Phù chu kỳ không rõ nguyên nhân: có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, yếu tố tâm lý và thay đổi số cân trong ngày.

− Hội chứng Cushing:

+ Lớp mỡ khu trú ở mặt – cổ – thân chứ không đồng đều.

+ Lượng cortisol máu buổi sáng (8 giờ) thường cao do cường thượng thận chức năng ức chế được bằng nghiệm pháp Nugent, chu kỳ tiết cortisol trong ngày vẫn bình thường tức không tăng vào buổi chiều.

+ U mỡ: không tăng cân, khối mỡ khu trú, biến dạng (phải phẫu thuật).

Tăng nguy cơ tử vong

− Do các biến chứng chuyển hóa: đái tháo đường, tăng lipid máu.

Do bệnh thường diễn tiến nặng trên người béo phì như:

+ Trong ngoại khoa: nguy cơ khi gây mê, hậu phẫu (viêm tĩnh mạch, bội nhiễm).

+ Trong nội khoa: nhiễm khuẩn nặng.

+ Trong sản khoa: sinh khó.

Biến chứng chuyển hóa

− Chuyển hóa glucid: có tình trạng kháng insulin, tăng tiết insulin phát hiện qua test dung nạp glucose bị rối loạn, dễ dẫn đến bệnh đái tháo đường.

− Chuyển hóa lipid: triglycerid máu thường tăng trong béo phì, tăng VLDL. Sự tăng lipoprotein có liên quan đến rối loạn chuyển hóa glucid nói trên làm cho gan sản xuất nhiều VLDL hơn. Cholesterol máu ít khi ảnh hưởng trực tiếp bởi béo phì, nhưng nếu có tăng cholesterol trước thì dễ làm tăng LDL, HDL thường giảm khi triglycerid tăng.

− Chuyển hóa acid uric: acid uric máu thường tăng có lẽ có liên quan đến tăng triglycerid máu. Tăng acid uric máu nặng thêm khi ăn kiêng, cần chú ý đến tăng acid uric đột ngột khi điều trị làm giảm cân, có thể gây cơn Goutte cấp tính do thoái giáng protid.

Biến chứng tim mạch

Bản thân béo phì là một nguy cơ cho các bệnh tim mạch:

− Cao huyết áp: có sự liên quan chặt chẽ giữa béo phì và tăng HA, tần suất cao HA tăng trong béo phì bất kễ là phái nam hay nữ. HA giảm khi làm giảm cân.

− Suy mạch vành (đau thắt ngực, đột tử, nhồi máu cơ tim): thường gặp ngay cả khi không cộng thêm các yếu tố nguy cơ khác (đái tháo đường, tăng lipoprotein máu, cao HA).

− Suy tĩnh mạch: do cơ học, nhất là ở nữ, dễ đưa đến rối loạn dinh dưỡng chi dưới (loét các giãn tĩnh mạch).

− Các biến chứng tim mạch khác: suy tim trái thứ phát do béo phì hoặc do tăng HA và suy mạch vành; suy tim phải trong trường hợp có suy hô hấp (khó thở gắng sức rất thường gặp), tai biến mạch máu não, xơ vữa động mạch.

Biến chứng phổi

− Giảm chức năng hô hấp do nguyên nhân cơ giới (di động kém của lồng ngực), giảm thông khí phế nang tối đa gây ra giảm oxy mô và tăng CO2 mạn tính.

Trường hợp nặng gây hội chứng Pickwick (hội chứng khó thở khi ngủ): ngủ gà ngủ gật ban ngày, nhức đầu buổi sáng, tăng hồng cầu, tăng CO2 trong máu, thường gặp trong các trường hợp béo phì nặng, có một cân nặng giới hạn mà dưới mức đó hội chứng này này mất đi và tái xuất hiện khi cân tăng trên ngưỡng đó.

Biến chứng xương khớp

− ở các khớp chịu lực cao như đầu gối, khớp háng, cột sống thắt lưng dễ bị thoái hóa.

− Thường tăng tỷ lệ hoại tử do thiếu máu đầu xương đùi tăng lên.

− Thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống gây đau lưng, đau Thần kinh tọa.

− Loãng xương.

Biến chứng nội tiết

− Đái tháo đường không phụ thuộc insulin (do tăng insulin thứ phát do nhiều nguyên nhân: do tác dụng của β – endorphin, hoặc do giảm số lượng và chất lượng thụ thể insulin ngoại biên, kích thích tế bào β do ăn nhiều glucid). Đường huyết có thể giảm khi giảm cân.

− Chức năng nội tiết sinh dục: giảm khả năng sinh sản; chu kỳ kinh kéo dài không phóng noãn, rậm lông

Biến chứng khác

− Da: nhiễm trùng da ở các nếp gấp, nhất là nhiễm nấm.

− Các nguy cơ ung thư hóa: tăng tỷ lệ ung thư vú và nội mạc tử cung do chuyển dạng từ mô mỡ ở vú các androgen thành oestrogen, gây tăng oestrogen tương đối.

− ở phụ nữ: hội chứng buồng trứng đa nang.

− Khi phẫu thuật: gây mê có nhiều nguy cơ.

− ảnh hưởng tâm lý xã hội.

Chế độ tiết thực hợp lý.

Hạn chế ăn đường, bánh kẹo, chất bột, giảm lượng cơm ăn hàng ngày, thay bằng ăn nhiều rau xanh, trái cây, chua, chát.

. Không nên ăn loại trái quá ngọt như Mít, Sầu riêng, Hồng xiêm.

. Ăn nhiều các loại rau Cần, rau Cải, Cà rốt, Cà chua, Xà lách.

. Ăn các loại cháo lá Sen, cháo Đậu xanh, cháo Hoàng kỳ, Đậu đỏ có tác dụng giảm mỡ.

. Không ăn mỡ động vật.

. Nên vận động thể dục, tự xoa bóp toàn thân mỗi ngày, tập khí công thái cực quyền đều là những biện pháp làm giảm cân tốt.

Đo BMI để phát hiện béo phì sớm, điều trị kịp thời.

Khi phát hiện béo phì phải khám huyết áp, xét nghiệm lipid máu, glucosse máu, acid uric… để phát hiện sớm biến chứng béo phì và có thái độ điều trị tích cực.

Trong y văn của y học cổ truyền từ lâu cũng đã đề cập tới chứng bệnh này, ngay từ cuốn sách cổ xưa nhất “Nội kinh tố vấn” đã gọi chứng béo phì là ‘phì quý nhân” vì thấy chứng này thường xuất hiện ở lứa tuổi trung niên trở đi do ít vận động hơn người trẻ tuổi.

Trong sách “Nội kinh” đã viết “Cửu ngọa thương khí, cửu tọa thương nhục” (Nằm lâu hại khí, ngồi nhiều hại cơ), theo lý luận của y học cổ truyền: khí thương tắc hư, nhục thương hại tỳ. Tỳ hư làm chức năng kiện vận bị suy giảm, tân dịch không được chuyển hóa sẽ ngưng trệ lại thành thấp, hóa đàm mà dẫn đến thể trạng đàm thấp như chứng béo phì của y học hiện đại. Thiên ‘Kỳ Bệnh Luận’ (Tố Vấn 47) đã đề cập như sau: “Phàm năm vị ăn vào miệng chứa ở Vị, Tỳ vì Vị dẫn hành tinh khí. Bao tân dịch đều ở Tỳ, nên thành chứng khẩu cam (ngọt ở miệng). Bệnh đó do ăn nhiều các thứ “phì mỹ” (béo, ngon) mà sinh ra”. Thiên ‘Thông Bình Hư Thực Luận’ (Tố Vấn 25² viết: “…Những chứng đó, phần nhiều do hạng người giàu sang, béo tốt, ăn nhiều chất cao lương mà sinh ra”.

Do suy giảm thể chất ở người cao tuổi: Sau tuổi trung niên thận khí thường bị suy giảm. Hóa bất sinh thổ, tỳ mất kiện vận, làm cho tân dịch bị đình ngưng, dẫn đến thấp trọc nội sinh, dần hình thành đàm thấp mà dẫn tới chứng béo phì.

Tiên thiên bất túc: Bo là vốn là người béo phì, nên tiên thiên thận khí đã bất túc, hậu thiên tỳ mất kiện vận, chất tinh vi thủy cốc không được chuyển hóa đầy đủ… dẫn đến hình thành đàm thấp mà xuất hiện chứng béo phì/

Ẩm thực thái quá; thường gặp ở người ăn uống quá nhiều các chất béo ngọt dẫn đến thấp nhiệt nội sinh cũng làm ảnh hưởng đến chức năng vận hóa của tỳ vị, tỳ vị hư dẫn đến hình thành đàm thấp mà xuất hiện chứng béo phì.

Những người ít vận động, dẫn đến khí huyết trong cơ thể vận hành bất thông cũng làm ảnh hưởng đến chức năng kiện vận của tỳ vị, chức năng này bị suy giảm làm ảnh hưởng tới sự phân bố chất tinh vi của thủy cốc mà hình thành đàm thấp trong cơ thể dẫn tới chứng béo phì.

Khi điều trị, cần chú ý theo dõi một số điểm sau để dễ đánh giá diễn tiến của phương pháp điều trị:

+ Ba tháng là một liệu trình, hết một liệu trình nếu trọng lượng cơ thể giảm được 3kg là có hiệu quả.

+ Sau một liệu trình, nếu trọng lượng cơ thể giảm từ 5kg trở lên là có hiệu quả rõ.

+ Sau một liệu trình, trọng lượng cơ thể đạt đến trọng lượng cơ thể tiêu chuẩn, được coi là khỏi bệnh.

Trong thời gian uống thuốc, cứ cách một tháng nên ngưng uống thuốc 3-5 ngày rồi lại tiếp tục.

Dựa vào kinh nghiệm lâm sàng, trong YHCT nêu ra 8 nguyên tắc điều trị sau:

Hoá Thấp:

Dùng trong trường hợp Tỳ Vị hoạt động yếu, thấp bị tích tụ lại dẫn đến béo phì. Triệu chứng là bụng đầy, lưỡi nhờn, mạch Nhu. Thường dùng các bài:

+ Trạch Tả Thang (Kim Quỹ Yếu Lược, Q. Trung): Bạch truật 8g, Trạch tả 20g, sắc uống.

+ Phòng Kỷ Hoàng Kỳ Thang (Kim Quỹ Yếu Lược): Phòng kỷ 40g, Hoàng kỳ 40g, Bạch truật 30g, Chích thảo 20g, Sinh khương 3 lát, Đại táo 3 trái. Sắc uống.

Khứ Đờm:

Dùng trong trường hợp có nhiều đờm, béo phì. Triệu chứng chính là khí hư, ngực đầy, thích ngủ, lười hoạt động, lưỡi nhờn, mạch Hoạt.

Bệnh nhẹ:

+ Nhị Trần Thang (Thái Bình Huệ Dân Hoà Tễ Cục Phương, Q. 4): Bán hạ (chế) 8g, Chích thảo 4g, Phục linh 8g, Sinh khương 7 lát, Trần bì 8g. Sắc uống lúc đói.

+ Tam Tử Dưỡng Thân Thang (Hàn Thị Y Thông, Q. Hạ): Bạch giới tử, La bặc tử, Tử tô tử. Lượng bằng nhau. Mỗi lần dùng 12g, cho vào túi lụa sắc uống.

Bệnh nặng:

+ Khống Diên Đơn (Tam Nhân Cực – Bệnh Chứng Phương Luận, Q. 13): Bạch giới tử, Cam toại (bỏ lõi, chế), Đại kích. Lượng bằng nhau. Tán bột, trộn với hồ làm hoàn. Ngày uống 2 lần 1-2g với nước Gừng loãng (nhạt).

+ Đạo Đờm Thang (Tế Sinh Phương): Bán hạ (chế) 8g, Cam thảo 4g, Chỉ thực 12g, Nam tinh (chế) 6g, Phục linh 12g, Trần bì 12g. Sắc uống.

Lợi Thuỷ:

Triệu chứng chính là béo phì, phù, tiểu ít, bụng đầy, lưỡi trắng, mạch Nhu.

Bệnh nhẹ dùng bài

+ Ngũ Bì Ẩm (Thái Bình Huệ Dân Hoà Tễ Cục Phương): Đại phúc bì, Địa cốt bì, Ngũ gia bì, Phục linh bì, Sinh khương bì. Lượng bằng nhau. Sắc uống nóng.

+ Tiểu Phân Thanh Ẩm (Cảnh Nhạc Toàn Thư, Q. 51): Chỉ xác 4g, Hậu phác 4g, Phục linh 8g, Trạch tả 8g, Trư linh 8g, Ý dĩ 4g. Sắc uống ấm trước bữa ăn.

Bệnh nặng:

+ Chu Xa Hoàn (Cổ Kim Y Thống, Q. 43): Cam toại (nướng, tán bột) 40g, Đại hoàng (sao rượu) 80g, Đại kích (nướng, tán bột) 40g, Hắc khiên ngưu (sao) 160g, Nguyên hoa (sao dấm) 40g, Quất bì (sao) 40g, Thanh bì (sao) 40g

Tán bột, làm hoàn.

+ Thập Táo Thang (Thương Hàn Luận): Cam toại, Đại kích, Nguyên hoa, lượng bằng nhau, tán nhỏ, mỗi lần dùng 2-4g. Uống lúc đói vào sáng sớm. Đại táo 10 quả sắc làm thang, hoặc chế thành hoàn mỗi lần 2-4g, uống lúc đói, sáng sớm.

Thông Phủ:

Chủ yếu là dùng phương pháp xổ nhẹ. Dùng cho người béo phì do thèm ăn những thức ăn béo ngọt. Triệu chứng chủ yếu là bụng phệ, táo bón, ngại vận động, mỗi lần vận động thì thở mệt, lưỡi đốm vàng, dầy, mạch Thực.

Thường dùng bài

+ Đại Thừa Khí Thang (Thương Hàn Luận): Chỉ thực 16g, Đại hoàng 12g, Hậu phác 16g, Phác (Mang) tiêu 12g. Cho Hậu phác và Chỉ thực vào trước, đun sôi, lọc bỏ bã, cho Đại hoàng và Phác tiêu vào trộn đều uống.

Sau 2 -3 giờ vẫn chưa thấy đi tiêu được, uống tiếp nước thứ hai, nếu đã thông đại tiện, không uống tiếp nữa.

+ Tiểu Thừa Khí Thang (Thương Hàn Luận): Cam thảo (sống) 4g, Đại hoàng 12g, Mang tiêu 8g, Sắc uống.

+ Điều Vị Thừa Khí Thang (Thương Hàn Luận): Chỉ thực 4 trái, Đại hoàng 240g, Hậu phác 60g, sắc uống ấm.

Tiêu Đạo:

Dùng cho loại béo phì mà ngày càng thèm ăn. Triệu chứng chính là béo phì, lười hoạt động, bụng đầy, thực tích, lưỡi vàng dầy. Thường dùng Sơn tra để tiêu thịt, Thần khúc tiêu bột, ngũ cốc, Mạch nha tiêu thức ăn (gọi là Tam Tiêu Ẩm). Bài này trị béo phì do thừa dinh dưỡng có kết quả tốt.

Thư Can, Lợi Đởm:

Dùng trị béo phì kèm Can khí uất kết, khí ngưng trệ hoặc huyết ứ… Triệu chứng thường gặp là béo phì kèm hông sườn đầy tức, đau, bứt rứt, chóng mặt, mệt mỏi, bụng đầy, lưỡi đỏ, rêu lưỡi có đốm vàng, mạch Huyền.

Thường dùng:

+ Ôn Đởm Thang (Bị Cấp Thiên Kim Yếu Phương, Q. 12): Bán hạ (chế) 6g, Chỉ thực 6g, Chích thảo 4g, Phục linh 12g, Trần bì 6g, Trúc nhự 8g, Thêm Gừng và Táo sắc uống.

+ Thư Can Ẩm (Sài hồ, Uất kim, Khương hoàng, Bạc hà).

Kiện Tỳ:

Thường dùng kiện Tỳ bổ Thận là chính. Thường gặp trong trường hợp Tỳ khí hư yếu, cơ thể mỏi mệt, uể oải, lưỡi trắng, chất lưỡi nhạt, mạch Nhu. Thường dùng bài

+ Sâm Linh Bạch Truật Tán (Thái Bình Huệ Dân Hoà Tễ Cục Phương, Q. 3): Bạch truật 8g, Biển đậu 8g, Cát cánh 8g, Chích thảo 4g, Hạt sen 8g, Nhân sâm 8g, Phục linh 12g, Sa nhân 8g, Sơn dược 8g, Ý dĩ 12g. Sắc, chia 2 lần uống.

+ Dị Công Tán (Tiểu Nhi Dược Chứng Trực Quyết, Q. Hạ): Bạch truật 12g, Chích thảo 4g, Đảng sâm 8g, Phục linh 8g, Trần bì 4g, sắc uống.

+ Chỉ Truật Hoàn (Tố Vấn Bệnh Cơ Khí Nghi Bảo Mệnh Tập): Bạch truật 80g, Chỉ thực 40g. Dùng lá Sen bọc cơm nung khô, tán bột, làm thành hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6 – 8g.

Ôn Dương:

Dùng trong trường hợp khí hư, dương hư kèm mồ hôi trộm, hơi thở ngắn, cử động thì thở mệt, lưng đau, sợ lạnh… Thường dùng bài

+ Tế Sinh Thận Khí Hoàn (Kim Quỹ Yếu Lược, Q. Hạ): Địa hoàng 320g, Đơn bì 120g, Phụ tử 40g, Phục linh 120g, Quế chi 40g, Sơn dược 160g, Sơn thù 160g, Trạch tả 120g. Tán bột. Ngày uống 8-12g.

+ Cam Thảo Phụ Tử Thang (Kim Quỹ Yếu Lược, Q. Thượng): Bạch truật 80g, Cam thảo (nướng)80g, Phụ tử (nướng, bỏ vỏ) 2 miếng, Quế chi 160g. Sắc 600ml nước còn 200ml, uống ấm.

+ Linh Truật Quế Cam Thang (Thương Hàn Luận): Bạch truật 12g, Chích thảo 18g, Phục linh 16g, Quế chi 12g. Sắc uống.

Dựa theo triệu chứng lâm sàng, có thể phân những người béo phì thành các loại sau: Tỳ hư thấp trệ, tỳ vị thấp nhiệt, can khí uất kết, khí trệ huyết ứ, đờm trọc, dương hư.

Tỳ Hư Thấp Trệ:

Triệu chứng: Bệnh nhân béo phì kèm theo chân phù, mặt nặng, mệt mỏi, chán ăn, tiêu lỏng, tiểu ít, thân lưỡi bệu, rêu trắng dày, mạch Hoạt hoặc Trầm Nhược.

Điều trị: Kiện Tỳ, lợi thấp.

Dùng bài Phòng Kỷ Hoàng Kỳ Thang hợp với Linh Quế Truật Cam Thang gia giảm:

Béo phì tỳ hư thấp trệ Hoàng kỳ 20 Xương truật 10 Phòng kỉ 10
Bạch truật 12 Bạch linh 12 Trạch tả 12 Xa tiền thảo 12
Quế chi 6 Cam thảo 4

Gia giảm: Khí hư nặng thêm Đảng sâm 12g;

Thấp nặng thêm Ý dĩ 20g;

Bụng đầy thêm Chỉ thực, Hậu phác đều 10

Ăn kém thêm Mạch nha, Sơn tra đều 10

Vị Thấp Nhiệt:

Triệu chứng: Người mập, chân tay nặng nề, chóng mặt, nặng đầu, ăn mau đói, khát thích uống nước mát, chất lưỡi đỏ, rêu vàng dày, mạch Trầm Sác hoặc Hoạt Sác.

Điều trị: Thanh nhiệt, lợi thấp.

Dùng bài Phòng Phong Thông Thánh Tán gia giảm:

Béo phì thấp nhiệt Phòng phong 10 Hoàng cầm 12 Chi tử 10
Xuyên tâm liên 10 Thạch cao 15-20 Hoạt thạch 15-30 Bạch truật 12-20
Liên kiều 12-20 Thảo quyết minh 12-20 Cam thảo 3-6 Đại hoàng 2-6

Gia giảm: Khát nước thêm Hà diệp 12g. Đầu đau thêm Dã Cúc hoa 10 – 12g.

Can khí uất kết:

Triệu chứng: Người bứt rứt dễ cáu gắt, ngực sườn đầy tức, bụng đầy ăn kém, mồm đắng lưỡi khô, kinh nguyệt không đều, mạch Huyền.

Điều trị: Hoà Can, lý khí. Dùng bài Đại Sài Hồ Thang gia giảm:

Béo phì Can uất Sài hồ 12 Hương phụ 12 Hoàng cầm 12
Bán hạ 8 Chỉ thực 8 Uất kim 12 Xuyên khung 10
Bạch linh 15

Gia giảm: Khát thêm Sinh địa12g, Thiên hoa phấn 12g.

Bụng đầy nhiều thêm Trần bì, Hậu phác 8 – 10g.

Khí trệ huyết ứ:

Triệu chứng: Béo phì, bụng ngực đầy tức, kinh nguyệt không đều, kinh đến đau bụng, sắc kinh đen có máu cục, lưỡi có điểm ứ huyết, mạch Sáp.

Điều trị: Ích khí, hoạt huyết. Dùng bài Đào Hồng Tứ Vật Thang gia giảm:

Béo phì khí trệ huyết ứ Đào nhân 12 Hồng hoa 12 Xuyên khung 12
Đương qui 15 Đan sâm 15 Sinh địa 15 Bạch thược 12-16
Mộc hương 6-8 Trần bì 8-10

Gia giảm: Đau nhiều thêm Uất kim, Hương phụ đều 10g. Bụng đầy nhiều thêm Chỉ xác Hậu phác đều 10g.

Đờm Trọc:

Triệu chứng: Thường thích ăn chất béo ngọt, váng đầu, đầu căng tức, ngực bụng đầy tức, chân tay nặng nề, tê dại, thân lưỡi bệu, có dấu răng, rêu lưỡi dày nhớt, mạch Trầm Hoạt.

Điều trị: Kiện Tỳ hoá đờm.

Dùng bài Ôn Đởm Thang gia giảm:

Béo phì đờm trọc Trần bì 9-12 Bán hạ 9-12 Chỉ thực 9-12
Trúc nhự 9-15 Bạch linh 9-15 Tỳ bà diệp 9-15 Đởm nam tinh 6-10
Sinh khương 3 lát

Gia giảm: Tiểu ít thêm Trạch tả 12g.

Tỳ Thận Dương Hư:

Triệu chứng: Béo phì chân tay lạnh, sợ lạnh, lưng gối đau mỏi, hoặc mí mắt phù, bụng đầy, tiêu lỏng, lưỡi bệu, sắc nhạt, rêu trắng, mạch Trầm Tế hoặc Trầm Trì Nhược.

Điều trị: ôn Thận kiện Tỳ. Dùng bài:

Chân Vũ Thang hợp với Phòng Kỷ Hoàng Kỳ Thang gia giảm:

Béo phì dương hư Hoàng kỳ 12-20 Chế phụ tử 6-12 Đẳng sâm 10-15
Bạch linh 9-12 Bạch truật 9-12 Bạch thược 9-12 Xa tiền thảo 15-20

Gia giảm:Lưng đau gối mỏi nhiều thêm Xuyên Ngưu tất, Đỗ trọng 10 – 12g.

Tiêu lỏng, bụng đầy: uống thêm viên Hương Sa Lục Quân 6 – 8g/ lần, ngày uống 2 lần.

*Bệnh béo phì thường biểu hiện lâm sàng những hội chứng bệnh lý hư thực lẫn lộn, cần có sự linh hoạt trong biện chứng luận trị.

Những biện pháp khác cần kết hợp:

. Hạn chế ăn đường, bánh kẹo, chất bột, giảm lượng cơm ăn hàng ngày, thay bằng ăn nhiều rau xanh, trái cây, chua, chát.

. Không nên ăn loại trái quá ngọt như Mít, Sầu riêng, Hồng xiêm.

. Ăn nhiều các loại rau Cần, rau Cải, Cà rốt, Cà chua, Xà lách.

. Ăn các loại cháo lá Sen, cháo Đậu xanh, cháo Hoàng kỳ, Đậu đỏ có tác dụng giảm mỡ.

. Không ăn mỡ động vật.

. Nên vận động thể dục, tự xoa bóp toàn thân mỗi ngày, tập khí công thái cực quyền đều là những biện pháp làm giảm cân tốt.

Chú ý phát hiện biến chứng điều trị kịp thời.

Chỉ định đầu tiên là chế độ tiết thực giảm cân, phối hợp với tăng cường tập luyện – vận động thể lực để tăng tiêu hao năng lượng.

Nếu chưa đạt mục đích, chỉ định thuốc và các can thiệp khác.

Mục đích điều trị là giảm cân, giảm 5-10% trọng lượng ban đầu cũng cải thiện các biến chứng của béo phì như rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tăng huyết áp…

Tiết thực giảm trọng lượng

– Điều trị béo phì chưa có biến chứng chủ yếu dựa vào tiết thực giảm calo và giảm mỡ. Năng lượng đưa vào phải ít hơn nhu cầu cơ thể, để cơ thể huy động năng lượng từ mô mỡ. Sự cân bằng âm về calo sẽ giúp giảm trọng cơ thể (khoảng 0,5-1 kg/tuần là phù hợp).

– Hạn chế năng lượng khoảng 20-25 kcalo/kg/ngày. Áp dụng chế độ tiết thực giảm cân về mức độ cung cấp năng lượng còn phụ thuộc tuổi, hoạt động thể lực, và mục tiêu giảm cân.

– Khẩu phần ăn có sự cân đối giữa glucid, lipid và protid. Tránh dùng nhiều glucid (năng lượng do glucid cung cấp khoảng 50 % năng lượng của phần ăn, lipid khoảng 30% và protid khoảng 20%), hạn chế đường đơn, mỡ bão hòa.

– Hạn chế bia – rượu.

– Bổ sung chất xơ, vitamin, yếu tố vi lượng từ các loại rau, củ và hoa quả.

– Chia nhiều bữa (ít nhất 3 bữa).

– Nhịn đói để giảm cân là nguy hiểm. Khi đói, mỡ và protid sẽ bị dị hóa nhiều, thiếu muối, thiếu các yếu tố vi lượng. Vì vậy, dễ tổn thương các cơ quan.

– Tiết thực giảm carbohydrat: Cambridge diet: cung cấp đầy đủ yếu tố vi lượng, giảm glucid, giảm cân có hiệu quả, không gây tai biến.

Tăng cường tập luyện-vận động thể lực để tăng sử dụng năng lượng

– Giúp giảm cân, duy trì cân nặng lý tưởng.

– Giảm TC, TG, LDL-c và Tăng HDL-c.

– Góp phần kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp.

– Thời gian tập luyện-vận động thể lực khoảng 60 đến 75 phút mỗi ngày, cường độ và thời gian tập tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe nhất là những người có bệnh lý huyết áp, mạch vành, suy tim…

Thay đổi hành vi (Behavitor modification)

Trị liệu thay đổi hành vi là một trị liệu tâm lý để người bệnh béo phì thừa nhận béo phì là một bệnh lý, từ đó tích cực tuân thủ các biện pháp điều trị như tiết thực giảm calo, tăng cường tập luyện – vận động thể lực để tăng sử dụng năng lượng.

Thuốc

Thuốc điều trị béo phì ít có kết quả nếu không phối hợp với tiết thực giảm cân và tăng cường vận động thể lực để tăng sử dụng năng lượng.

Mặt khác dùng thuốc phải áp dụng liệu trình lâu dài vì sự tăng cân trở lại khi ngừng thuốc.

Một số người bệnh không đáp ứng với thuốc giảm cân: sau 4 tuần điều trị, cân không giảm, hoặc sự giảm cân dừng lại sau 6 tháng điều trị, hoặc sau một năm điều trị có sự tăng cân trở lại mặc dù thuốc vẫn tiếp tục dùng.

Vì vậy, phần lớn các trường hợp béo phì không nên dùng thuốc để điều trị do nhiều tác dụng phụ. Một số thuốc có thể dùng phối hợp với tiết thực giảm cân và tăng cường vận động thể lực để tăng sử dụng năng lượng

+ Sibutramine (meridia): ức chế tái hấp thụ Norepinephrine, serotonin, dopamine vào hệ thần kinh, dẫn đến tăng nồng độ của chúng trong máu gây chán ăn.

+ Orlistat (Xenical): ức chế men lipase làm cho mỡ không hấp thu được tại hệ

tiêu hóa.

+ Lưu ý, không bao giờ giảm cân bằng các thuốc lợi tiểu, hormon giáp, riêng thuốc làm giảm lipide nói chung không nên cho ngay lúc đầu.

Một số điều trị đặc biệt

– Đặt bóng vào dạ dày, gây cảm giác đầy dạ dày, cảm giác no và hạn chế ăn.

– Phẫu thuật nối shunt hỗng tràng dạ dày làm giảm hấp thu thức ăn.

– Khâu nhỏ dạ dày

– Phẫu thuật lấy mỡ ở bụng.

Các điều trị này chỉ dành cho người quá béo, béo phì làm hạn chế mọi sinh hoạt, béo phì gây tàn phế cho người bệnh sau khi đã tiết thực đầy đủ, tăng cường vận động thể lực, thay đổi hành vi không hiệu quả.

Nhìn chung việc điều trị béo phì ít hiệu quả như mong muốn, tốt nhất là phòng ngừa béo phì dựa tiết thực giảm cân và tăng cường vận động thể lực khi mới phát hiện vượt trọng lượng lý tưởng.

Đại cương:

Béo phì là tình trạng tăng khối lượng mỡ trong cơ thể quá mức, dẫn đến cơ thể tăng trên 25% thể trọng. Thể trọng hợp lý có thể căn cứ vào chỉ số khối lượng cơ thể BMI = M/ H 2(M là khối lượng cơ thể tính bằng kg; H là chiều cao cơ thể tính bằng mét). Nữ có thể trọng hợp lý khi BMI nằm trong khoảng 18-22, được coi là béo phì khi BMI>27.5. Nam có thể trọng hợp lý khi BMI nằm trong khoảng 20-25, được coi là béo phì khi BMI>30. Người mắc bệnh béo phì, nếu không được điều trị, không có chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý sẽ có nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính, nguy hiểm như: cao huyết áp, đái tháo đường, vữa xơ động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến…

Điều trị

1.Thể tỳ hư thấp trệ

Triệu chứng lâm sàng: Người bệnh sắc da vàng nhợt, cho tới vàng xạm, người mệt mỏi, bụng trướng đầy, có thể có cảm giác nặng nề, mắt và chi dưới có thể phù nề nhẹ. Lưỡi nhợt và bệu, rêu lưỡi trắng dày nhờn, hoặc trắng nhuận. Mạch nhu hoãn.

Pháp điều trị: Kiện tỳ, ích khí, hóa đàm, trừ thấp

Bài thuốc cổ phương: “Hương sa lục quân tử thang”

Hương sa 12g Phục linh 16g Trần bì 8g Sa nhân 6g Bạch truật 16g Chích cam thảo 4g Bán hạ chế 8g Bắc mộc hương 6g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Gia giảm:

Trong trường hợp ẩm thực tích ngưng thì gia thêm: Mạch nha, Thần khúc, Sơn tra, Lai phúc tử… để tiêu thực dẫn ngưng

Vùng ngực đầy tức, đau thì gia thêm Qua lâu để hóa đàm, khoan hung.

Có xuất hiện chứng huyễn vựng kèm theo thì gia thêm Thiên ma, Bạch truật, Đởm nam tinh… để hóa đàm tức phong

Chi dưới phù nề gia thêm Hoàng kỳ, Bạch biển đậu,Ý dĩ… để kiện tỳ, lợi thấp

2.Thể thấp nhiệt nội ôn

Triệu chứng lâm sàng: Sắc mặt vàng, miệng nhờn mà khô, khát mà không thích uống nước. Bụng có cảm giác tức chướng, đầy, đại tiện phân có thể táo hoặc táo và nát xen kẽ nhau, mùi hôi, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch nhu sác hoặc hoạt sác.

Pháp điều trị: Thanh nhiệt lợi thấp.

Bài thuốc cổ phương: Liên pháp ẩm

Hoàng liên 6g Hậu phác 10g Chi tử 8g Bán hạ chế 8g Thạch xương bồ 8g Trạch tả 12g

Ý dĩ 16g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Gia giảm: Nếu có thử thấp tác động thì gia thêm Hà diệp để giải thử hóa thấp.

3.Thể can đởm thấp nhiệt

Triệu chứng lâm sàng: Sắc da vàng, miệng đắng, ăn kém, buồn nôn, nôn mửa, vùng bụng đầy, chướng, tức, có cảm giác đau và tức ở vùng mạng sườn. Lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch huyền sác.

Pháp điều trị: Sơ can lợi đởm, thanh nhiệt hóa thấp.

Bài thuốc cổ phương: Long đởm tả can thang

Long đởm thảo 12g Mộc thông 12g Trạch tả 12g Sa tiền tử 12g Hoàng cầm 8g Chi tử 8g Sài hồ 8g Sinh địa 12g Đương quy 12g Cam thảo 6g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần

Gia giảm:

Có thể gia Nhân trần, Thảo quyết minh, Cát căn để tăng cường lợi đởm, trừ thấp

Nếu can dương thượng cang xuất hiện huyễn vựng thì gia Câu đằng, Thiên ma, Sung úy tử.

4.Thể can thận âm hư

Triệu chứng lâm sàng: Sắc da vàng khô, bì phu có ban chẩn hay sắc trắng xám không tươi, hay hoa mắt chóng mặt, ù tai, đau răng, miệng khô đắng, lưng gối đau mỏi, đầu có cảm giác căng chướng đau, tính tình dễ cáu giận, tay chân có thể hay tê buồn, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít hay không rêu, mạch tế sác.

Pháp điều trị: tư bổ can thận

Bài thuốc cổ phương: Nhất quán tiễn hợp với Nhị chi hoàn

Sa sâm 12g Đương quy 12g Kỷ tử 16g Hạn liên thảo 16gHà thủ ô 16g Mạch môn 12g Sinh địa 30g Xuyên luyện tử 6g Nữ trinh tử 16g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Gia giảm:

Âm hư sinh nội nhiệt gia thêm: Đan bì, Tri mẫu, Trạch tả…

Nếu âm tổn cập dương, dẫn đến âm dương lưỡng hư thì gia Tiên linh tỳ, Thỏ ty tử

5. Thể khí ngưng, huyết ứ:

Triệu chứng lâm sàng: sắc da vàng, trắng xạm, kèm theo Hung tý, Tâm thống hoặc có khối tích phúc thống. Chất lưỡi tím đen, có ban ứ huyết, mạch huyền sáp.

Pháp điều trị: Hoạt huyết, hóa ứ, lý khí hành ngưng.

Bài thuốc cổ phương: Huyết phủ trục ứ thang

Đương quy 12g Đào nhân 8g Sinh địa 12g Hồng hoa 8g Xuyên khung 8g Xích thược 12g Sài hồ 8g Chỉ xác 12gCát cánh 10g Cam thảo 4g Ngưu tất 16g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Gia giảm:

Bụng đau nhiều gia thêm Trầm hương, Một dược.

Cố khối tích ngưng gia thêm: Tam lăng, Nga truật.

Ứ ngưng nặng có thể gia thêm các vị thuốc nhuyễn kiên tán kết, trục ứ: Xuyên sơn giáp, Tam thất…

Nghiên cứu lâm sàng

+ Bạch Kim Hoàn (Bạch phàn, Uất kim): ngày uống 3 lần, mỗi lần 6g, liên tục trong 40 – 60 ngày. Đã trị cho 170 vừa cao lipit huyết vừa béo phì, cân nặng giảm bình quân 3,75kg.

+ Cường Thân Giảm Phì Hợp Tễ: Hoàng kỳ, Phục linh, Khiên ngưu, Úc lý nhân, Hoàng tinh, Sơn tra, Thảo quyết minh.

Trị 53 ca, có kết quả 73,3%.

+ Cường Thân Giảm Phì Xung Tễ: Hoàng kỳ, Phục linh, Trư linh, Trần bì Lai phục tử (sao), Tân lang, Đại hoàng, Ô mai, Đào nhân, Thảo quyết minh.

Đã trị 53 ca, có kết quả 79,6%.

+ Cửu Vị Bán Hạ Thang: Bán hạ, Quất bì, Cam thảo, Sài hồ, Trư linh, Trạch tả, Phục linh, Can khương, Thăng ma. Dùng cho người béo phì từ tuổi trung niên trở lên, đa số do thuỷ thấp đình trệ.

+ Giảm Phì Khinh Thân Phương: Lậu lô, Quyết minh tử, Trạch tả, Hà diệp, Phòng kỷ, Sinh địa, Hồng sâm. Hắc đậu, Thuỷ ngưu giác, Hoàng kỳ, Ngô công.

Đã trị 51 ca, đạt tỉ lệ khỏi 94,11%.

+ Giảm Phì Thang: Hà thủ ô 30g, Đương quy 30g, Kê huyết đằng 30g, Phục linh 20g, Sắc uống.TD: Giảm béo phì, làm hạ Triglyceride và Cholesterol trong máu.

+ Giảm Phì Thang 2: Tam thất 3g, Bổ cốt chỉ 12g, Phiên tả diệp 10g, Đại hoàng 10g. Sắc uống.

+ Giảm Phì Thang 3: Câu kỷ tử 10g, Hà thủ ô, Thảo quyết minh, Sơn tra đều 15g, Đan sâm 20g. sắc uống.

Đã trị 31 ca, sau khi uống liên tục 2 tháng, trọng lượng cơ thể giảm nhẹ, lượng mỡ máu giảm đi.

+ Giảm Phì Thang 4: Tân lang, Đại hoàng (chưng rượu) đều 7,5g, Hậu phác, Thanh bì, Vân linh, Chỉ xác, Sơn tra, Thương truật, Bán hạ đều 15g, Bạch giới tử 10g. sắc uống.

Có bệnh nhân lúc đầu cân nặng 86kg, sau khi dùng bài thuốc trên, giảm còn 71kg.

+ Hà Diệp Tán (Chứng Trị Yếu Quyết): Dùng lá Sen (Hà diệp), đốt thành tro, tán bột, hoà với nước uống. Tác dụng: tiêu sưng phù, giảm mỡ. Quan sát lâm sàng cho thấy lá Sen có tác dụng rõ trong bài thuốc giảm béo phì. Vì vậy sách ‘Chứng Trị Yếu Quyết’ viết: “Uống tro lá Sen khiến cơ thể gầy đi”.

+ Hà Diệp Thang : Hà diệp, Thương truật, Bạch truật, Hoàng bá, Ngưu tất, Ý dĩ nhân, Hoàng kỳ, Quế chi, Mộc qua, Phục linh, Trạch tả, Sơn tra, Xa tiền thảo. Đã dùng trị 21 ca, cân nặng giảm bình quân 0,75 – 13kg, có giảm mỡ máu.

+ Hà Thảo Tán: Hà thủ Ô đỏ, Hạ khô thảo, Đông qua bì, Trần bì, lượng bằng nhau tán bột, hoà uống. Liều trung bình mỗi ngày 6 – 10g trong 1 tháng. Theo dõi 231 ca, giảm trên 2 kg có 291 ca, không giảm 8 ca, tăng cân 4 ca, tỉ lệ kết quả 94,8%. Có một số bệnh nhân đau bụng trước khi đi tiêu, buồn nôn.

+ Hà Tra Trà: Hà diệp, Sơn tra, Trạch tả lượng bằng nhau làm dạng trà uống trong 3 tháng. Đã trị 41 ca, giảm cân trên 2kg: 27 ca, giảm cân dưới 2kg: 14 ca.

+ Hà Truật Thang: Hà diệp, Thương truật, Bạch truật, Hoàng bá, Ngưu tất, Ý dĩ nhân, Hoàng kỳ, Quế chi, Mộc qua, Phục linh, Trạch tả, Sơn tra, Xa tiền tử, Hổ trượng, Hạ khô thảo, Cam thảo.

TD: Kiện Tỳ, lợi thấp, bổ khí, thông dương, tiêu phì, giảm mỡ, hạ áp.

Đã trị 21 ca, giảm ít nhất là 0,75g, nhiều nhất là 13kg.

+ Hải Tảo Khinh Thân Thang: Hải tảo, Hạ khô thảo, Ý dĩ nhân, Bạch giới tử, Sơn tra, Trạch tả, Nhân trần, Sài hồ, Cam thảo.

Bài thuốc thích hợp với nữ thanh niên béo phì.

+ Khang Linh Hợp Tễ: Hoàng kỳ, Hà diệp, Sơn tra, Thủ ô đỏ, Đại hoàng (sinh), Bạch giới tử, Diên hồ sách sắc uống mỗi lần 100ml, ngày 2 lần. Trị 110 ca có kết quả 89,1%.

+ Khinh Thân Ẩm 2: Phiên tả diệp, Trạch tả, Sơn tra, Thảo quyết minh.

TD:Thanh Vị nhiệt, lợi thuỷ thấp, kiện Tỳ, tiêu mỡ, lợi thấp trọc.

Đã trị 46 ca, có kết quả 71,7%. Sau khi dùng thuốc, đa số có cảm giác người nhẹ nhàng, khoan khoái, bớt to bụng, đại tiện dễ, không còn mỏi mệt. Trong đó 20 ca vòng bụng giảm đi ở các mức độ khác nhau, người giảm nhiều nhất là 16cm. Trong đó có16 người bệnh kèm phù chân thì 9 ca hết phù. Có 9 ca kèm huyết áp cao nhưng trong thời gian điều trị thì huyết áp ổn định.

+ Khinh Thân Nhất Hiệu Phương: Hoàng kỳ, Phòng kỷ, Bạch truật, Xuyên khung, Hà thủ ô (chế) đều 15g, Trạch tả, Sơn tra, Đan sâm, Nhân trần, Ngưu giác đều 30g, Tiên linh tỳ 10g, Đại hoàng 9g.

TD: Ích khí, kiện Tỳ, ôn Thận, trợ dương, hoạt huyết, hoá ứ, lợi thuỷ, tiêu phù. Dùng trong trường hợp béo phì do Tỳ khí hư, thấp nhiều.

Đã trị 50 ca, khỏi 48.

+ Ngũ Linh Tán hợp Cửu Vị Tân Lang Thang: Trư linh, Trạch tả, Bạch truật, Phục linh, Quế chi, Tân lang, Hậu phác, Quất bì, Tô diệp, Cam thảo, Can khương, Mộc hương, Đại hoàng. Thích hợp cho người mập phì mà cơ thể nặng nề, dễ mệt mỏi, dễ phù.

+ Ninh Chi Hoàn: Bạch truật, Trần bì, Bán hạ, Đan sâm, lượng bằng nhau, tán bột mịn, luyện thành viên 0,5g, mỗi lần uống 8 viên, ngày 2 – 3 lần. Đã trị 90 ca, có kết quả 72%, cân nặng bình quân giảm 1,7kg.

+ Ôn Đởm Thang gia Đởm tinh: Trần bì, Bán hạ, Bạch linh, Cam thảo, Trúc nhự, Chỉ thực, Đởm tinh. Đã dùng điều trị 90 ca, cân nặng bình quân từ 88kg, giảm xuống còn 76,5kg.

+ Phòng Kỷ Hoàng Kỳ Thang (Kim Quỹ Yếu Lược): Phòng kỷ 40g, Hoàng kỳ 40g, Bạch truật 30g, Chích thảo 20g, Sinh khương, Đại táo. Sắc uống. Dùng cho bệnh nhân béo phì da nhạt, cơ bắp nhão, thuộc hư chứng, dễ ra mồ hôi, mệt mỏi, có khi đau khớp, cơ bụng nhão, lưỡi ướt, mạch Phù Nhược.

Bài này phù hợp cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ giàu có, nhàn rỗi, da trắng, cảm thấy nặng nề, không muốn hoạt động, ăn ít nhưng thích uống nước, kinh nguyệt ít, dễ ra mồ hôi, mùa hè mồ hôi ra nhiều. Những người trên 50 tuổi, về chiều thường cảm thấy chân sưng phù, đi lại khó nhưng xét nghiệm nước tiểu không có gì khác thường. Những người này thích gầy hơn một ít. Dùng bài Phòng Kỷ Hoàng Kỳ Thang trị 68 phụ nữ béo phì, sau 8-12 tuần, thể trọng của khoảng 1/3 số phụ nữ nói trên giảm nhẹ.

+ Phòng Kỳ Truật Khung Ô Thang: Phòng phong, Hoàng kỳ, Bạch truật, Xuyên khung, chế Thủ ô, Trạch tả, Sơn tra, Đơn sâm, Nhân trần, Tê giác (hoặc sừng trâu), Tiên linh tỳ, Sinh đại hoàng. Đã trị 50 ca chứng béo phì trong 4 – 23 tuần có kết quả 48 ca, giảm cân bình quân 8,72 kg, lượng Triglycerid và Cholesterol máu đều giảm rõ. Một báo cáo khác dùng trị 178 ca, ngày uống 3 lần, mỗi lần 5 viên (tương đương 15g thuốc sống, có kết quả 72,5%).

+ Phòng Phong Thông Thánh Tán (Tuyên Minh Luận): Phòng phong, Kinh giới, Bạc hà, Ma hoàng, Liên kiều, Cát cánh, Xuyên khung, Đương quy, Bạch truật, Sơn chi (hắc), Đại hoàng (tẩm rượu), Mang tiêu, Thạch cao, Hoàng cầm, Hoạt thạch, Bạch thược, Cam thảo. Tán thành bột. Ngày uống 5-8g.

Bài này phù hợp cho trường hợp béo phì mỡ ở bụng dưới nhiều quá, táo bón và có khuynh hướng bị huyết áp cao.

Kết quả: Cho bệnh nhân uống liên tục 6 tháng, đến tháng thứ hai vòng ngực từ 120cm giảm còn 97cm, vòng bụng từ 130cm giảm còn 103cm. Trọng lượng cơ thể từ 72,5kg giảm còn 71. Đến tháng thứ sáu, vòng ngực còn 93,5cm, vòng bụng còn 94cm, trọng lượng cơ thể còn 69kg.

+ Nữ trinh tử 30g, Sơn tra 15g. Sắc uống liên tục 1 tháng. Trị béo phì (Trung Quốc Dân Gian Bách Thảo Lương Phương).

+ Hổ trượng 1/2kg, sấy khô, tán nhuyễn. Mỗi lần dùng 5g, uống với nước, ngày 3 lần. Trị béo phì (Trung Quốc Dân Gian Bách Thảo Lương Phương).

+ Nhân trần 30g, Sơn tra 20g, Mạch nha sống 15g. Sắc uống. Trị béo phì (Trung Quốc Dân Gian Bách Thảo Lương Phương).

+ Sơn tra 20g, Hà diệp 6g, Trần bì 5g, Lô căn 20g. Sắc uống. Trị béo phì (Trung Quốc Dân Gian Bách Thảo Lương Phương).

+ Bồ hoàng 30g, Sơn tra 20g. Sắc uống. Trị béo phì (Trung Quốc Dân Gian Bách Thảo Lương Phương).

Những Bài Thuốc Giảm Mỡ Có Lá Chè (Trần Thuỵ Anh, Thiên Tân, Trung Quốc).

+ Sơn tra, Trạch tả, La bặc tử, Mạch nha, Thần khúc, Hạ khô thảo, Trần bì, Nhị sửu (sao), Thảo quyết minh, Phục linh, Xích tiểu đậu, Hoắc hương, Lá chè đều 7g, sắc uống.

+ Hà Thủ ô (sống), Hạ khô thảo, Sơn tra, Trạch tả, Thạch quyết minh, La bạc tử, Lá chè (trà) đều 10g, sắc uống.

+ Thương truật, Bạch truật, Trạch tả, Phục linh, Xa tiền tử, Trư linh, Phòng kỷ, Lá chè đều 10g, sắc uống.

+ Đại hoàng, Chỉ thực, Bạch truật, Cam thảo đều 20g, Lá chè 50g, sắc uống.

+ Pháp Bán hạ, Bạch linh, Trần bì, Xuyên khung, Chỉ xác, Đại phúc bì, Đông qua bì, Chế Hương phụ, Sao Trạch tả, Xa tiền thảo, sao Thương truật, sao Bạch truật, Nhân trần, Lá chè đều 5g sắc uống. Đã dùng trị 95 ca, giảm cân 0,5 – lkg. 16 ca, 1,5 – 2,5kg : 20 ca, 3 – 3,5kg: 11 ca, 4 – 4,5kg: 7 ca, 5 – 8,5kg: 14 ca, trên 9kg: 2 ca, không giảm: 25 ca, tỉ lệ giảm: 73,69%.

Những Vị Thuốc Dân Gian Đơn Giản Giảm Béo Phì

+ Cải củ sống, ăn thường xuyên.

+ Bột Hải đới 2g, Ô mai muối 1 quả. Cho nước sôi hãm uống.

+ Lá sen sắc uống hoặc sắc đặc lấy nước nấu cháo ăn.

+ Bí đao (bí xanh). Thường xuyên làm thức ăn (nấu canh hoặc kho, xào).

+ Củ mài (Khoai mài, Sơn dược, Hoài sơn) nấu cháo (giã nát) ăn thường

+ Râu ngô (Bắp) lượng vừa đủ, hãm nước sôi uống thay nước trà.

+ Lá chè: nấu sôi làm nước trà đậm uống hàng ngày.

+ Đơn bì, lá cây Hoè đều 15g, sắc uống.

+ Quả thị xanh, 1 quả, cành Dâu (Tang chi) 30g, sắc nước uống, ngày 1 – 2 lần.

+ Đậu xanh, Hải đới đều 100g, nấu ăn liên tục có hiệu quả.

+ Bạch tật lê, Đậu xanh đều 30g, sắc uống ngày 2 – 3 lần.

Châm Cứu

Điều trị bằng Châm Cứu: thường dùng cho thể Tỳ hư thấp trệ hoặc thể đàm

trọc có kết quả. Phép trị chủ yếu là trừ thấp, hoá đờm, ích khí kiện Tỳ.

Thể Châm :

+ Chọn huyệt: Huyệt chính: Trung quản, Vị du, Túc tam lý, Phong long, Nội quan, Lương khâu, Khí hải, Túc tam lý, Tỳ du.

Gia giảm: Táo bón: thêm Thiên xu, Chi câu. Có kèm mỡ máu cao thêm Thái xung, Dương lăng tuyền.

Đối với thực chứng, dùng phép tả (vê kim, kích thích mạnh, lưu kim 20 – 30 phút, có thể thêm điện châm với kích thích mạnh (mức độ bệnh nhân chịu được). Đối với chứng hư (thường là hư hàn, chân tay lạnh, sợ lạnh, mạch yếu, mệt mỏi) dùng phép bổ (vê kim, kích thích nhẹ) kết hợp dùng cứu mỗi ngày hoặc cách nhật (Hiện Đại Trung Y Nội Khoa Học).

+ Tỳ Hư Thấp Trệ: Kiện Tỳ, lợi thấp. Châm Lương khâu, Công tôn, Tam âm giao, Thuỷ phân.

Vị Thấp Nhiệt: Thanh nhiệt, lợi thấp. Châm Thiên xu, Hoạt nhục môn, Hợp cốc, Thượng cự hư, Nội đình, Chi câu, Thuỷ phân.

Can Khí Uất Kết: Hoà Can, lý khí. Châm Thái xung, Khâu khư, Kỳ môn, Tam âm giao.

Khí Trệ Huyết Ứ: Ích khí, hoạt huyết. Châm Tâm du, Cách du, Khí hải, Địa cơ, Thái xung.

Đờm Trọc: Âm lăng tuyền, Thái bạch, Trung quản, Hoạt nhục môn, Trung xu.

Tỳ Thận Dương Hư: Tỳ du, Thận du, Quan nguyên, Túc tam lý, Công tôn, Âm lăng tuyền (Bị Cấp Châm Cứu).

Nhĩ Châm

+ Chọn huyệt: Nội tiết, Thần môn, Vị, Tỳ, Tuỵ, Dưới vỏ não.

Mỗi lần chọn 2 – 3 huyệt, châm bằng hào châm, lưu kim 20 – 30 phút, kích thích vừa (bệnh nhân cảm giác tê tức, đau hoặc nóng tại chỗ), ngày châm 1 lần. Hoặc gài kim nhĩ châm (kim nhĩ hoàn) 2 – 3 ngày thay 1 lần. Trong thời gian lưu kim, dặn bệnh nhân mỗi ngày ấn kim 3 – 4 lần và trước lúc ăn. 10 lần châm là một liệu trình, nghỉ 2 – 3 ngày tiếp tục liệu trình tiếp (Hiện Đại Nội Khoa Trung Y Học).

+ Nội tiết, Thuỳ thể,, Tuỵ, Phế, Thận, Tỳ, Giao cảm, Nhĩ mê căn. Dùng Vf bất lưu hành, tán bột, dán vào, mỗi lần một bên tai. Hai lầntuần. 10 lần là một liệu trình (Bị Cấp Châm Cứu).

+ Trung dương kháng thịnh: Thanh Vị tả hoả, dùng huyệt Tỳ, Vị, Cơ điểm (Điểm Đói), Phế, Giao cảm.

Đờm Thấp Nội Uẩn: Khứ thấp, hoá đờm. Dùng huyệt Tỳ, Tam tiêu, Nội tiết, Thần môn, Thượng Thận (Trung Y Cương Mục).

Cứu Pháp

Cứu Tỳ du, Thận du, Quan nguyên, Túc tam lý, Công tôn, Âm lăng tuyền. Cách ngày cứu một lần (Bị Cấp Châm Cứu).

Một Số Kết Quả Điều Trị Bằng Châm Cứu

+ Tống Thị trong 10 năm đã điều trị cho 240 ca béo phì. Số lần điều trị từ 1 đến 33 lần, kết hợp thể châm và nhĩ châm mỗi tuần một lần. Các huyệt đã dùng: Thiên xu, Túc tan lý, Tam âm giao, Đại hoành, Quan nguyên, Khí hải, Trung quản, Thông thiên, Tỳ du, Vị du. Sau khi châm, xung điện 15 – 30 phút. Các huyệt nhĩ châm dùng: các huyệt Tỳ, Vị, Tuỵ, Khẩu, Thần môn, Nội tiết, lưu kim 1 tuần.

Có kết quả 222 ca (92,5%), không kết quả 18 ca (7,5%) (Tân Biên Trung Quốc Châm Cứu Học).

+ Thôi Thị dùng nhĩ châm trị 1075 ca. Chọn các huyệt: Thần môn, Vị, Đại tràng, Nội tiết, Phế, Tâm, Tam tiêu. Mỗi lần dùng 1 – 2 huyệt, kích thích vừa, cố định bằng băng keo, lưu kim 5 ngày. Kết quả tốt 264 ca (260 có kết quả (giảm trên 3kg), 370 ca (36,5%), không kết quả 381 ca (37,5%). Các tác giả có nhận xét là loại béo phì đơn thuần do ăn uống có kết quả tốt hơn, loại do thể tạng kết quả kém. Đối với bệnh nhân tuổi dưới 35 kết quả tốt, trên 40 tuổi kém kết quả, trên 55 tuổi không kết quả (Tân Biên Trung Quốc Châm Cứu Học).

+ Lữ Thị dùng thuốc (Vương bất lưu hành) dán huyệt nhĩ châm trị 1000 ca, có 448 ca kết quả giảm trọng trên 2,5kg, có 383 ca giảm trọng 1,5 – 2,5kg, tỉ lệ có kết quả 80,1% (Tân Biên Trung Quốc Châm Cứu Học).

+ Châm Lương khâu, Công tôn có tác dụng giảm béo phì rất rõ. Chọn huyệt ở hai bên. Mỗi lần châm một huyệt, luân phiên sử dụng. Dùng phép châm tả. Khi đắc khí, dùng phép đề tháp, ấn nhẹ, nhấc mạnh, vê kim nhanh làm cho người bệnh cảm thấy kích thích mạnh. Sau đó nối với máy điện châm, dùng sóng liên tục, cường độ chịu được, lưu kim 20 phút. Sau khi rút kim ra, dùng kim châm vào sâu khoảng 1cm vào huyệt đã châm trong ngày, thân kim tạo thành dấu + với đường kinh vận hành, dùng băng cố định đuôi kim, dặn người bệnh mỗi ngày day nhẹ 2-3 lần, mỗi lần khoảng 1-2 phút, đồng thời xoa khá mạnh lên vùng huyệt có chôn kim khoảng 10 phút trước khi ăn cơm. Cứ ba ngày châm một lần, 10 lần là một liệu trình. Hết một liệu trình, nghỉ 1 tuần rồi lại tiếp tục liệu trình khác.

Châm hai huyệt này có tác dụng làm cho sự thu nạp của Tỳ Vị, công năng tiêu hoá giảm đi, đạt được sự ức chế thèm ăn, tạo ra hiệu quả giảm béo phì.

Kết quả: Châm hai huyệt trên trị 42 ca béo phì đơn thuần, có 14 ca hiệu quả rõ (thể trọng giảm 5-7kg trở lên), 17 ca có hiệu quả (thể trọng giảm 1-5kg), không hiệu quả 11 ca (thể trọng giảm 1kg trở xuống). Tỉ lệ chung đạt 73,8% Trung Quốc Tạp Chí 1987, (5) 52).

+ Dùng phương pháp dán thuốc vào huyệt ở loa tai trị 200 ca béo phì. Trong đó nam 33, nữ 167. Tuổi từ 16-30 có 87 ca, tuổi 30-40 có 66 ca, tuổi 45-65 có 47 ca. Dùng vị thuốc Vương bất lưu hành, tán nhuyễn, trộn với ít dấm hoặc rượu làm thành viên nhỏ 0,6-0,8g. Dán vào các huyệt Nội tiết, Thần môn cả hai bên tai là chính. Phối hợp thêm huyệt Đại trường, Khẩu, Vị, Phế, U môn. Mỗi lần dùng huyệt chính kết hợp với 1-2 huyệt phụ. Ngày dán một lần. 10 ngày là một liệu trình. Kết quả: Khỏi 26 (giảm 5kg trở lên), kết quả tốt 55 (giảm 3-4,5Kg), có kết quả 97 (giảm 1-2,5kg), không kết quả 9 (Thiểm Tây Trung Y 1986, (5): 215).

+ Dùng Nhĩ châm trị béo phì. Dùng kim Nhĩ hoàn châm vào huyệt, lấy băng băng dính lại, 4 ngày thay một lần, 7 lần là một liệu trình. Huyệt dùng: Phế, Tỳ, Vị, Nội tiết và Thần môn. Mỗi lần dùng 1-2 huyệt. Đã trị 350 ca. Kết quả: giảm 3-5kg có 11 ca, giảm 6-10kg có 78 ca, giảm 11-15kg có 26 ca, giảm 16kg trở lên có 14 ca. Đạt tỉ lệ 96% (Sơn Đông Trung Y Tạp Chí 1986, (2): 49).

+ Dùng Nhĩ châm trị 21 ca béo phì đơn thuần. Huyệt dùng: Khẩu, Thần môn, Vị, Đói, Tỳ. Mỗi lần dùng 3 huyệt trở lên. Lưu kim. 2-6 tuần là một liệu trình Thiểm Tây Trung Y Học Viện Học Báo 1996 (2): 56).

+ Dùng phương pháp áp (dán thuốc vào huyệt) trị béo phì. Huyệt dùng Nội tiết, Dưới Não, Buồng trứng, Não điểm, Huyệt Đói, Huyệt Khát, Thần môn, Tỳ, Vị cả hai bên tai. Dựa theo biện chứng để chọn huyệt cho phù hợp. Thí dụ: do rối loạn nội tiết, chọn huyệt Nội tiết, Dưới não, Buồng trứng, Não. Khát và đói nhiều chọn huyệt Đói, Khát, Tỳ, Vị. Thích ngủ nhiều, chọn huyệt Dưới não, Thần môn. Mỗi lần chọn 4-6 huyệt. Mỗi ngày châm một lần, 5 lần là một liệu trình, nghỉ 1 tuần lại tiếp tục liệu trình khác.

Kết quả: Trị 567 ca, Khỏi 84, có kết quả 385, không kết quả 98. Đạt tỉ lệ 83% Thượng Hải Châm Cứu Tạp Chí 1986, (4): 22).

+ Dùng Nhĩ châm trị 253 ca béo phì. Tuổi từ 13 đến 65. Cân nặng ít nhất 69,5kg, nhiều nhất 157kg. Dùng huyệt Tam tiêu, Phế, Nội tiết. Dùng nhĩ hoàn châm rồi băng dính lại, lưu kim 5 ngày mới lấy ra. Các huyệt trên chọn mỗi làn 1 huyệt, luân phiên sử dụng 3 huyệt trên. 6 lần là một liệu trình.

Kết quả: huyệt Tam tiêu đạt 83,5%, huyệt Phế đạt 76%, huyệt Nội tiết đạt 54,4%. Thể trọng giảm 75kg đạt 46,7%, giảm 91 kg đạt 15,2%, giảm 10,5kg có 21 ca Trung Quốc Châm Cứu 1986 (3): 11).

+ Dùng Nhĩ châm trị 1015 ca béo phì. Huyệt dùng: Thần môn, Vị, Đại trường, Nội tiết, Phế, Tâm, Tam tiêu. Mỗi lần chọn 1-2 huyệt. Dùng kim nhĩ hoàn châm, băng dính lại, lưu kim 5 ngày, 5 ngày châm một lần, 5 lần là một liệu trình.

Kết quả: Kết quả rõ 264 ca (giảm 15kg trở lên), có kết quả 370 (giảm 3kg trở lên), không kết quả 381. nhận xét: tuổi 35 trở xuống dùng nhĩ châm trị béo phì có kết quả tốt, trên 55 tuổi không có kết quả (Trung Quốc Châm Cứu 1987 (1): 17).

+ Dùng máy xoa bóp huyệt Quan nguyên trị 44 ca béo phì. Dùng máy mang số 7453 của Bắc Kinh sản xuất, mỗi lần xoa bóp 40 phút, mỗi ngày một lần. Trung bình xoa bóp 25 lần.

Kết quả trị 35 ca, giảm 1-5kg. Có 9 ca không có kết quả, không tăng không giảm Trung Quốc Châm Cứu 1985 (6): 24).

Lương Y Nguyễn Hữu Toàn

*********************************

Ngoài tác dụng giảm dị ứng, mẩn ngứa, kim ngân hoa còn giúp chữa chứng béo phì có kèm theo cao huyết áp và rối loại lipid máu.

Theo Đông y, hoa kim ngân vị ngọt, hơi đắng, không độc, tính mát, có tác dụng sát khuẩn, giải độc, thanh nhiệt, chữa thấp khớp, viêm mũi dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt, sốt xuất huyết, sởi…

Trị chứng béo phì kèm cao huyết áp, rối loạn lipid máu thuộc thể vị nhiệt (triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, nặng đầu, mỏi tay chân, khát nước):Lấy hoa kim ngân, hoa cúc, sơn tra mỗi vị 10 gr, hãm khoảng 20 phút với nước sôi uống thay trà trong ngày.

Hội Chứng Bệnh - Điều Trị Bệnh

Động tác giúp giảm di chứng ở đường hô hấp do hậu COVID 19

Avatar of Cẩm Nang Thuốc Đông Y

Về Cẩm Nang Thuốc Đông Y

Cẩm Nang Chia Sẻ Đông Y - Luôn muốn cập nhật các kiến thức về Đông Y mới nhất, hữu ích nhất đến tất cả mọi người. Phòng và Trị bệnh từ Đông Y sẽ bền hơn và có sức khỏe tốt hơn rất nhiều. Hãy cùng có một cuộc sống xanh, sống khỏe.
Xem tất cả các bài viết của Cẩm Nang Thuốc Đông Y →

Trả lời