Vị thuốc vần C

CAO HỔ CỐT

Tên thường gọi: Cao hổ cốt, cao hổ, cao xương hổ hay hổ cốt là loại cao được nấu và cô đặc từ bộ xương của con hổ.

Nếu như một số loại khác như: cao ngựa, cao gấu, cao khỉ là loại cao toàn tính (nấu cả xương và thịt) thì cao hổ lại chỉ nấu bằng xương. Từ xa xưa người Trung Quốc và người Việt Nam rất coi trọng giá trị của cao hổ, do đó giá cả của cao hổ cốt cũng trở nên đắt đỏ hơn so với nhiều loại cao khác. Chính vì thế mà loài hổ đã bị săn bắn hàng loạt để lấy xương phục vụ cho việc nấu cao, và các sản phẩm như nanh, vuốt, da được sử dụng để làm các sản phẩm trang trí, túi sách, quần áo,…

( Mô tả, hình ảnh, thu hái, chế biến, thành phần hoá học, tác dụng dược lý ….)

Bộ phận dùng, cách nấu cao hổ cốt:

Toàn bộ xương con hổ. Nấu cao hổ cốt phải dùng toàn bộ xương con hổ, không nên thiếu miếng xương nào và không được lẫn các xương khác. Do đó phải có người tinh thạo, biết xem xương và chọn lọc xương. Xương hổ quý nhất là xương tay (hổ hình cốt) rồi xương chân, xương đầu, xương sống liền với xương đuôi (không thể thiếu những xương này được). Xương tay hơi vặn ở khuỷu, có một lỗ ‘thông thiên’; đặc điểm này dùng phân biệt xương hổ, xương beo với các xương khác: răng hàm có hình chữ ‘tam sơn’. Hổ chết trong rừng lâu ngày xương trắng bợt, nếu ngâm nước lâu thì bị ải, hổ săn bắn được thì xương dính liền nhau, trắng ngà, để hơi vàng. Xương hổ tốt nhất nặng 10 – 15kg. Nếu có đủ 5 bộ xương cùng nấu thì tốt nhất, nếu không một bộ trên 10kg cũng tốt. Một kg xương đã chế nấu được độ 230g cao mềm, cho nên nấu cao hổ cốt người ta thường nấu lẫn với xương Sơn dương (tỷ lệ 1/5). Nếu được "ngũ dương nhị hổ" thì càng có lực mạnh. Xương sơn dương nấu với xương hổ cũng phải làm sạch như gạc (sạch tuỷ, gân, thịt).

Cách nấu cao hổ

Sau khi có được xương hổ, để có loại cao tốt thì việc nấu cao hổ phải trải qua 3 giai đoạn: Làm sạch xương, tẩm sao và nấu cô.

Làm sạch

Một khúc xương cánh tay của hổ

Ở giai đoạn thứ nhất, làm sạch là phải bỏ hết thịt gân và tuỷ bằng cách ngâm xương với nước vôi loãng hoặc đem luộc với lá đu đủ non. Xương hổ dù để nấu cao cũng phải làm rất sạch, bỏ hết thịt, gân, tủy. Nếu không làm sạch sẽ hỏng cao, nấu xong dễ sinh giòi, thậm chí còn gây độc cho người dùng.

Xương bánh chè cũng cần phải loại bỏ hết gân và tủy, phải ngâm tẩm với nước gừng, sao khô và tẩm rượu, phơi khô trong nơi râm vài ba tháng. Nếu uống sống xương còn tươi, còn tủy rất nguy hiểm, đặc biệt hại gan và thận vì đi vào hai kinh này trước. Hổ ăn thịt sống và thịt thối đều tiêu hóa được, người không ăn được như hổ nên khi uống xương hổ vào có thể cấp tính gây suy thận hoặc tích độc gây suy gan, hỏng thận.

Phải đem xương tươi hoặc xương khô nhưng còn dính thịt cho vào nước vôi loãng đun sôi rồi ngâm một đêm và mang ra rửa thật sạch. Cũng có khi người ta luộc xương với lá rau cải. Xương luộc xong, đem ra lấy trấu thóc nếp hoặc cát mịn đánh cho đến khi sáng bóng lên. Sau đó đem cưa xương ra từng khúc ngắn như khẩu mía, chẻ nhỏ ra, xương nhỏ thì đập vỡ rồi đem luộc với dấm trong vài phút để làm sạch tủy. Rồi lại vớt xương ra, cho vào vại, đổ nước vào rồi đánh đều tay… các mảnh xương cọ vào nhau sẽ làm sạch những tủy, thịt, gân còn sót…

Người dân miền núi từ lâu đời đã làm theo phương thức truyền thống là cho bộ xương vào rọ, đem ra suối ngâm khoảng hai tháng cho rữa hết thịt, gân bám ở xương rồi đem xương đó phơi ở chỗ râm trong khoảng vài ba tháng nữa, khi nào ngửi bộ xương không còn mùi nữa là được. Cách này là tối ưu, cho bộ xương hổ sạch và có chất lượng tốt nhất.

Tẩm sao:

Ở giai đoạn thứ hai, là tẩm sao, dùng trấu, cát chà xương cho sạch bóng, rửa kỹ rồi đem phơi hoặc sấy khô. Cưa xương thành những khúc ngắn như khẩu mía dài chừng 5 – 6 cm, chẻ làm 2 – 3 mảnh, xương nhỏ thì đập giập rồi đem luộc với nước giấm. Tiếp đó, rửa thật sạch và đem phơi hoặc sấy khô. Khi đó xương mới được đem tẩm sao và có nhiều kiểu tẩm sao tùy theo từng địa phương. Có nơi tẩy bằng nước rau cải, bằng nước lá trầu không, sao bằng mỡ dê, ngâm với nước sắc khương hoàng và hùng hoàng, ngâm với giấm rồi cho vào sao cát, cuối cùng sao lại bằng mỡ dê. Có nơi ngâm nước lá trầu không, ngâm nước rau cải xóc với giấm, tẩm mỡ dê, rửa bằng nước gừng pha rượu, sao cát cho vàng…

Cô đặc

Ở giai đoạn cuối, nấu cao hổ cốt tốt nhất phải có 05 bộ xương hổ và cứ 01 kg xương đã chế biến theo đúng quy chuẩn sẽ nấu được hơn 200g cao. Bí kíp của việc nấu cao hổ cốt chủ yếu nằm trong bình lọc nước canh cô, thành phần của bình lọc sơ bộ phải có 5 lớp: trấu mới, than xương, một loại dược liệu đặc biệt có khả năng khử tủy xương, cát thô, sỏi thô. Khi cô cao, chỉ đổ cao khi cao chuyển sang giai đoạn bọt cao nhỏ, nếu không cao sẽ bị nhão vì hút ẩm mạnh. Hầu như không thể nấu được cao xương hổ nguyên chất vì không thể đúc khuôn được. Người ta thường pha thêm xương sơn dương với tỷ lệ 05 xương hổ 01 xương sơn dương (thịt và xương của sơn dương cũng thường được nấu cao với tên cao sơn dương, tuy nhiên chúng không nằm trong khảo sát của bài này).

Từ công thức đó người ta thường có câu phi sơn dương bất thành hổ cốt, tuy nhiên câu này cũng không hoàn toàn đúng trong mọi trường hợp. Người ta nấu cao hổ cốt riêng để dễ dàng xác định tỷ lệ cao hổ nguyên chất chiếm bao nhiêu phần trăm, còn cơ bản vẫn phải bổ sung một số thành phần tùy theo nhu cầu sử dụng thực tế. Nếu nhằm chữa khớp nên thêm 1 cân mộc qua, 1 kg thiên niên kiện dạng dược liệu thô. Nếu chỉ nhằm tăng cường sức khỏe và tuổi thọ nên dùng yếm rùa vàng, dùng cho dương sự thêm vào đó là gạc hươu, gạc nai.

Bộ xương hổ để nấu cao, tốt nhất là phải nặng trên 10 kg, nếu được từ 15 kg trở lên thì tuyệt vời và đặc biệt là phải đầy đủ, không được thiếu mảnh xương nào và cũng không được lẫn các loại xương khác, trong đó không thể thiếu xương chân trước và xương bánh chè[5]. Vào thời điểm hiện tại để nấu được một lạng cao hổ thành phẩm phải bỏ ra khoảng 20 triệu đồng (cứ 10 kg xương hổ kèm 3 kg xương sơn dương)[1] Khi nấu phải nấu ba nước, cô chung trực tiếp rồi cô cách thủy, đảo đều và kỹ, bọc giấy bóng. Khi cao đã được thì lấy xương hổ (lúc này đã mủn như vôi bột) rải xuống mâm và đổ cao lên.

Thành phần hóa học

Y học hiện đại phân tích: trong thành phần xương hổ (hổ cốt) có chứa collagen, mỡ, calcium phosphate, calcium carbonat, magiesium phosphat, trong đó collagen là hoạt chất chính, gelatin của hổ cốt chứa 17 amino acid, lượng acid amin trong xương hổ cao gấp 900 các loại xương động vật khác và tỷ lệ đạm toàn phần rất cao.

Thành phần hóa học của xương hổ gồm: canxi, phốtpho, protein, chất keo để thủy phân cho các axít amin. Như vậy, cao hổ cốt có chứa calcium phosphate, calcium carbonate, collagen, mỡ, magiesium phosphate về cơ bản giống như các loại cao xương động vật khác. Thành phần đạm toàn phần trong cao hổ cốt là 14,93 đến 16,66, tương đương cao gấu, cao khỉ, cao ban long, tỉ lệ axít amin cũng tương tự

Tính vị:

Cao hổ cốt vị mặn, tính ấm

Quy kinh:

Vào kinh can, thận

Tác dụng:

Bổ dương, trục phong hàn, trấn thống (giảm đau), làm mạnh gân cốt, trừ thấp; thường được dùng để chữa các chứng tê thấp, đau nhức gân xương, đi lại khó khăn, chân tay co quắp, , suy nhược cơ thể…

Có thể nói, cao xương hổ có hai thế mạnh là: bổ dưỡng cơ thể và phòng chống các bệnh lý liên quan đến xương khớp như viêm đa khớp dạng thấp, thoái khớp gối, hư xương sụn cột sống cổ và cột sống thắt lưng, viêm cột sống dính khớp, viêm quanh khớp vai, viêm gân, gãy xương lâu liền,…

Kiêng kị:

Lương y quốc gia Nguyễn Hữu Toàn cho biết: Cao hổ cốt có tính nóng và trợ dương khá mạnh nên những người có thể chất hoặc bị mắc các chứng bệnh thuộc thể âm hư hỏa vượng không nên dùng. Người khi dùng sẽ làm tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ. Bệnh nhân bị viêm gan, suy thận, bệnh tim, tiểu đường không nên sử dụng cao hổ cốt. Ông cũng đưa ra lời khuyên cho mọi người: các loại cao từ hổ, gấu, ngựa chỉ có tác dụng trừ phong thấp, đau gân giãn cốt chứ không có tác dụng bổ thận tráng dương. Do đó các quý ông cũng không nên nghe các lời đồn thổi, quảng cáo mà tự ý mua về ngâm rượu sử dụng.

Theo quy định pháp luật nhiều nước trên thế giới việc săn bắt hổ là trái phép và bị cấm. Cùng với voi và tê giác, hổ là loài động vật hoang dã có tên không chỉ trong Sách đỏ Việt Nam mà còn trong Sách đỏ thế giới. Ở Việt Nam, mọi hành vi săn bắt, mua bán hổ, kể cả các bộ phận từ cơ thể hổ như nanh, da, móng vuốt hay cao nấu từ xương hổ đều bị xử lý theo luật pháp. Ở mức độ nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hiện tại Phòng khám Đông y Nguyễn Hữu Toàn đã không còn sử dụng cao hổ cốt trong kê đơn và điều trị bệnh. Hàng loạt các vị thuốc khác giá thành rẻ, khi dùng kết hợp với nhau có tác dụng điều trị bệnh xương khớp rất hiệu quả đã được thay thế cho các loại cao từ các loại động vật như: cao khỉ, cao hổ cốt, cao gấu,…

Cũng theo giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: “Đến nay chưa có nghiên cứu khoa học nào trong y văn cho thấy cao hổ cốt có hiệu quả điều trị bệnh viêm khớp xương hay loãng xương. Hoàn toàn không có”

Chính vì sự đắt đỏ và quý hiếm của cao hổ cốt mà đã có không ít những lời đồn thổi phồng sự thật về tác dụng của cao hổ như: uống rượu ngâm cao hổ cốt có tác dụng: người yếu khỏe loại, đặc biệt tốt cho hệ xương khớp, và đặc biệt tốt cho sức khỏe tình dục.

Cách phân biệt cao hổ cốt thật và cao hổ cốt giả

Cao hổ cốt thực nấu với tỷ lệ 5 hổ một sơn dương, nấu đúng kĩ thuật thì có mầu vàng ngà hơi trong, người lành nghề có thể kiểm định được, như người thợ rèn nhìn mầu lửa trong lò có thể biết được nhiệt độ, nhưng khó mà miêu tả cho người khác hiểu được. Còn người dùng thật khó phân biệt thật giả. Người ta có truyền miệng một số cách thử như: nếu là cao hổ thật thì ngọn cỏ tươi cắm trên mặt cao phải héo úa, chó ngửi thấy phải bỏ chạy, hoặc người uống cao sẽ cảm thấy một luồng khí nóng chạy khắp cơ thể hoàn toàn là những chuyện thần thoại hóa cao hổ mà thôi, chúng tôi đã thử nghiệm trên thực tế không xẩy ra những hiện tượng nêu trên.

Cao hổ cốt rởm

Hiện tại hổ là động vật quí hiếm, đã được đưa vào sách đỏ và có nguy cơ tuyệt chủng. Nhưng hiện tại ở việt nam nhiều người đã nuôi và cho sinh sản thành công giống hổ đông dương, nhưng số lượng vẫn còn rất hạn chế, cho nên Cao hổ cốt vẫn là một chế phẩm rất đắt đỏ vì vậy kẻ xấu thường tìm mọi phương cách chế ra cao hổ cốt “rởm” để trục lợi.

Những thủ đoạn thường được dùng là:

– “Treo đầu dê bán thịt chó”: nghĩa là bầy bộ xương hổ thật ra để bán cao rởm, họ bầy ra một bộ xương, mời thật nhiều người chung, họ cũng chỉ lấy mấy lạng, nhưng họ bán vài cân vẫn chưa hết cao

– “Điêu khắc” : dùng nghệ thuật điêu khắc, gọt rũa, đánh bóng chế tác ra những bộ xương hổ “rởm” từ các loại xương động vật khác để lừa bán trục lợi. Xương gấu thường được sử dụng nhiều nhất vì khá giống xương hổ, rẻ tiền hơn và lại dễ chế tác. Thậm chí với công nghệ lăng xê, nối, cạo, mài, khoan… kẻ xấu còn dùng cả xương lợn, xương trâu, xương bò, xương chó… để tạo ra hổ cốt “rởm” mà nom như thật!

– “Giải phẫu thẩm mỹ”: cắt ghép khâu vá một số động vật thành “hổ tươi nguyên con, ướp lạnh”. Ví dụ kẻ xấu thường tìm mua giống chó bò hung dữ và có vóc dáng to lớn, nặng từ 50-60kg, thậm chí có con nặng tới 100kg, mõm ngắn, đầu tròn, bộ mặt ngắn tũn và nhăn nhúm rồi nhuộm lông, uốn xương, tạo dáng, ướp lạnh… làm cho có hình hài trông giống như hổ thật. Hiện nay, tại Thái Lan cũng đã xuất hiện công nghệ “giải phẫu thẩm mỹ cho chó thành hổ” bán sang việt nam để nấu cao

– Trộn một số thuốc Tây vào cao xương hổ để tạo ra cảm giác “hiệu nghiệm” tức thì nhằm tạo niềm tin cho khách hàng và khiến họ sẵn lòng bỏ tiền ra mua. Ví như, kẻ xấu thường trộn vào cao hổ cốt các thuốc có tác dụng chống viêm, giảm đau mạnh để lừa những người đang bị hành hạ bởi chứng đau khớp.

Tag: cao ho cot, vi thuoc cao ho cot, tac dung cua cao ho cot, hinh anh cao ho cot, thuoc nam

baithuocnambacviet.com Tổng hợp

*************************

Hội Chứng Bệnh - Điều Trị Bệnh

Động tác giúp giảm di chứng ở đường hô hấp do hậu COVID 19

Avatar of Cẩm Nang Thuốc Đông Y

Về Cẩm Nang Thuốc Đông Y

Cẩm Nang Chia Sẻ Đông Y - Luôn muốn cập nhật các kiến thức về Đông Y mới nhất, hữu ích nhất đến tất cả mọi người. Phòng và Trị bệnh từ Đông Y sẽ bền hơn và có sức khỏe tốt hơn rất nhiều. Hãy cùng có một cuộc sống xanh, sống khỏe.
Xem tất cả các bài viết của Cẩm Nang Thuốc Đông Y →

Trả lời